Tin tức

Cơ hội nào của doanh nghiệp dệt may trong EVFTA?

Ngày đăng: 24/07/2019

 Cánh cửa EVFTA mở ra, thị trường xuất khẩu ngành Dệt May của Việt Nam rộng lớn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, để có thể trở thành quốc gia chủ lực xuất khẩu mặt hàng dệt may vào Liên minh Châu Âu (EU), rõ ràng các DN dệt may cần có những chiến lược cụ thể để đáp ứng các quy tắc về xuất xứ, kỹ thuật… của EU đặt ra nếu muốn làm chủ cuộc chơi.

Sau 9 năm đàm phán, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã được ký kết tại Hà Nội. Đây là một trong những thời khắc quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam và EU trong thời gian tới. Đặc biệt, EVFTA còn mở ra nhiều lợi ích cho cộng đồng các DN Việt Nam khi EU cam kết sẽ xóa bỏ các dòng thuế của mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực, nhất là các mặt hàng dệt may.

Để hiểu rõ hơn về cơ hội, thách thức của ngành Dệt May trong EVFTA, PV Tạp chí Dệt May và Thời trang Việt Nam đã có buổi trao đổi với ông Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế về câu chuyện trên.

Thứ trưởng Bộ Công Thương – Trần Quốc Khánh

Theo đánh giá của Thứ trưởng, mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ có lợi gì khi EVFTA chính thức có hiệu lực? Sẽ có bao nhiêu dòng thuế được cắt giảm cho các mặt hàng dệt may, thưa ông?

Trước hết, với ngành hàng dệt may, đây sẽ là ngành hàng có lợi nhiều nhất khi chúng ta có Hiệp định thương mại tư do với Liên minh Châu Âu (EU). Như chúng ta đã biết, mặt hàng dệt may sẽ có tốc độ xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 7 năm về 0%. Việc giảm thuế này sẽ mang đến chất xúc tác lớn cho các DN dệt may xuất khẩu sang thị trường EU.

Thứ hai, Quy tắc xuất xứ của EVFTA đối với mặt hàng dệt may sẽ đơn giản hơn so với CPTPP. Đối với CPTPP có yêu cầu phải đáp ứng Quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi, có nghĩa là các công đoạn từ Sợi – Vải – cắt May đều phải thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, còn EVFTA chỉ yêu cầu từ vải.

Một điều đặc biệt nữa là sau quá trình bàn luận, trao đổi với nhau, EU đã đồng ý cho phép cộng gộp xuất xứ với những nước đã có FTA với EU như Hàn Quốc, Nhật Bản… Do đó, chúng ta hoàn toàn có quyền nhập khẩu vải từ Hàn Quốc sản xuất các mặt hàng may mặc để xuất khẩu sang thị trường EU nhằm hưởng ưu đãi về thuế quan. Tất cả các quốc gia sẽ ký FTA với EU trong tương lai cũng sẽ được tính cộng gộp theo phương thức này.

Với những điều kiện như vậy, chúng tôi tin rằng mặt hàng dệt may Việt Nam sẽ tận dụng được những ưu đãi khi EVFTA có hiệu lực.

Có thông tin cho rằng khi EVFTA có hiệu lực, các mặt hàng dệt may hiện nay đang được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập GSP sẽ phải chuyển sang MFN với mức thuế cao hơn, sau đó giảm theo lộ trình như trong Hiệp định đã ký kết, Thứ trưởng nghĩ sao về quan điểm trên?

Đúng là hiện nay các DN dệt may của Việt Nam đang xuất khẩu vào EU với mức thuế GSP (Generalized System of Preferences). Đây là một trong số những ưu đãi của EU dành cho các nước đang phát triển hoặc kém phát triển, với mức thuế cho các mặt hàng dệt may hiện nay khoảng 9%. Hiện nay thuế MFN của EU là 15%, và nếu cắt giảm sẽ giảm dần từ 13%, 11%, 9% trong vòng 3 năm. Vậy điều gì sẽ xảy ra trong 3 năm đó khi một mặt hàng đang hưởng mức thuế 9% mà bị tăng lên trong 3 năm?

Chúng tôi đã tính đến điều này trong quá trình đàm phán và 2 bên đã đi đến thống nhất và thỏa thuận với nhau. Đối với những mặt hàng đang được hưởng ưu đãi về thuế quan phổ cập GSP vẫn tiếp tục được hưởng ưu đãi về mức thuế đó. Và chỉ khi nào mức thuế giảm về đúng bằng mức thuế GPS thì lúc đó GPS mới hết hiệu lực để chuyển sang MFN và tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo, tiến tới về 0%.

Thưa Thứ trưởng, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến 80% các DN vừa và nhỏ không biết tới EVFTA và CPTPP? Vậy Bộ Công Thương đã làm gì để giúp các DN này tiếp cận EVFTA?

Thật sự, như chúng tôi đã nói đó là điều đáng tiếc bởi tài liệu hiện nay có rất nhiều, công bố rất sớm từ năm 2016. Chúng tôi tin rằng, những DN nào quan tâm sẽ có những tìm hiểu về EVFTA, đặc biệt là các DN trong ngành thủy sản và dệt may.

Để hiểu rõ về các Hiệp định, cần có sự vào cuộc của cả 2 bên, Nhà nước thì vận đồng tuyên truyền, còn DN thì phải chủ động tìm hiểu. Lúc đó mới thu lại được lợi ích từ 2 Hiệp định.

Có một số chuyên gia lo ngại rằng hàng rào thuế quan sẽ giảm, nhưng hàng rào kỹ thuật phi thuế quan sẽ tăng. Vậy theo Thứ trưởng, phương án nào để giúp các DN vượt qua được nếu xảy ra tình huống trên?

Giảm thuế nhưng hàng rào kỹ thuật phi thuế quan sẽ tăng thì sẽ chẳng ý nghĩa gì. Nếu như giảm thuế nhập khẩu nhưng lại đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật ngặt nghèo, không khác gì “mở cổng nhưng đóng cửa”. Nhưng ở đây chúng ta cần nhìn các tiêu chuẩn của Liên minh Châu Âu theo cách nhìn khác. Các tiêu chuẩn này được xây dựng hoàn toàn dựa theo tiêu chuẩn quốc tế, họ rất ít khi đưa ra các tiêu chuẩn không có cơ sở khoa học. Ví dụ như họ nói rằng dư lượng thuốc trừ sâu ở sản phẩm này phải là 0%, thì họ đã có căn cứ quốc tế để đặt ra yêu cầu để đảm bảo sức khỏe, cũng như an toàn cho NTD. Cho nên rất ít khi tôi gọi đó là hàng rào kỹ thuật. Bởi từ “hàng rào” sẽ được hiểu rằng đó là một điều gì đó vô lý đặt ra trong một căng thẳng nào đó. Còn đây là một biện pháp bảo đảm, an toàn cho sức khỏe NTD của EU, và bản thân chúng ta cũng đang quan tâm đến câu chuyện đó.

Một khi chúng ta chứng minh được rằng chúng ta quan tâm đến sự an toàn của NTD thì cánh cửa EU sẽ luôn rộng mở chào đón. Trong quá trình đàm phán các Hiệp định thương mại, chúng ta không bao giờ đàm phán để hạ thấp một tiêu chuẩn nào đó.

Trong tất cả các FTA, vấn đề bảo hộ đầu tư, cam kết phi truyền thống khiến nhiều DN lo ngại. Khi EVFTA có hiệu lực, các DN có được công lệnh mua sắm Chính phủ hay không, thưa Thứ trưởng?

Tôi xin khẳng định rằng, với EVFTA việc mở cửa trong mua sắm Chính phủ với Liên minh Châu Âu là sự mở cửa hết sức có chừng mực. Chúng ta có ý định bảo lưu về diện mua sắm Chính phủ, chúng ta có bảo lưu về nước, gói thầu… Bên cạnh đó còn có rất nhiều bảo lưu khác để bảo đảm rằng việc mở cửa mua sắm Chính phủ sẽ diễn ra từ từ đối với EU.

Thứ trưởng có nói rằng đối với EVFTA chỉ cần Nghị viện Châu Âu thông qua là sẽ có hiệu lực ngay, trong khi Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) sẽ phải đợi Nghị viện của 28 nước thành viên thông qua. Vậy thưa Thứ trưởng, chúng ta có cần phải đợi IPA có hiệu lực thì EVFTA mới có hiệu lực hay không?

Tôi khẳng định rằng chúng ta không cần phải đợi IPA có hiệu lực thì EVFTA mới có hiệu lực. Đối với EVFTA, chỉ cần Nghị viện Châu Âu thông qua là sẽ có hiệu lực ngay.

Nếu như trong quá trình EVFTA có hiệu lực, giả sử có 1 quốc gia rời khỏi EU, thì liệu rằng Hiệp định có còn hiệu lực không, thưa Thứ trưởng?

EU ký Hiệp định thương mại với Việt Nam với tư cách là 1 thực thể. Còn quốc gia nào rời khỏi EU thì sẽ không còn được hưởng những ưu đãi Việt Nam dành cho EU và ngược lại.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Theo VTGF

Tin xem nhiều nhất

(08/08/2012)
(08/08/2012)
(08/08/2012)
(08/08/2012)
(13/08/2012)
(13/08/2012)
(13/08/2012)
(13/08/2012)
(13/08/2012)
(21/08/2012)
(21/08/2012)
(21/08/2012)
(21/08/2012)
(21/08/2012)
(29/08/2012)
(29/08/2012)
(03/09/2012)
(29/08/2012)
(29/08/2012)
(29/08/2012)