Tin tức

Dệt may tìm cách giữ sân nhà

Ngày đăng: 22/02/2017

Song song với việc tìm kiếm thị trường XK, các DN dệt may đang tìm kế để giữ vững thị trường nội địa bằng cách tập trung vào một vài mũi nhọn.
 
 
Doanh nghiệp dệt may vẫn đang gặp khó khăn. Ảnh: ST

Quy mô thị trường nhỏ

Cách tốt nhất là 100 triệu dân hãy thương, yêu hàng Việt bằng cách dùng sản phẩm mới và tham gia góp ý để sản phẩm có khả năng cạnh tranh. Nếu người tiêu dùng đã dùng rồi thì tiếp tục dùng và cùng với DN xây dựng thương hiệu để giúp DN có khả năng cạnh tranh tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10

Sau một thời gian dài chỉ mải lo cho XK, nhiều DN đã nghĩ đến việc “đi” bằng 2 chân, tức là vừa làm XK vừa tập trung cho thị trường nội địa. Mức tiêu thụ nội địa của sản phẩm dệt may tăng trung bình từ 10-15%/năm, với quy mô 4,5 tỷ USD, cộng với dân số gần 100 triệu dân là những điều kiện lý tưởng để DN dệt may chiếm lĩnh sân nhà.

Là người gắn bó với ngành dệt may nhiều năm, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) lại đưa ra cái nhìn khác đối với việc chiếm lĩnh thị trường nội địa. Ông Trường cho biết, trong khi năng lực sản xuất của ngành đã lên tới 35 tỷ USD thì quy mô 4,5 tỷ USD còn quá nhỏ và không có vị trí để có thể điều hòa được sản xuất khi XK suy giảm.

Nhìn sang các nước lân cận có thể thấy rõ điều đó. Ví dụ như Trung Quốc năng lực XK lên tới 260 tỷ USD thì thị trường nội địa cũng đạt con số 260 tỷ USD, Ấn Độ có thị trường nội địa lớn gấp 3 lần XK trong khi với Indonesia thị trường nội địa lớn gấp 2 lần XK. Bởi thế, khi thị trường XK chung khó khăn, các nước này vẫn có cơ sở để rút lui và phát triển thị trường nội địa. “Trong khi đó, toàn bộ thị trường nội địa của chúng ta chỉ đáp ứng xấp xỉ 2 tháng sản xuất của ngành, nên không tạo ra thế cân bằng cho hoạt động XK và sẽ tạo ra khó khăn nhiều hơn so với các quốc gia có thị trường nội địa lớn", ông Trường nói.

Không chỉ quy mô thị trường nhỏ, vấn nạn hàng lậu, hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc tràn vào khu vực nông thôn khiến các sản phẩm dệt may Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa NK không rõ nguồn gốc. Đến thời điểm này, tại khu vực nông thôn, thị phần của ngành dệt may Việt Nam chỉ chiếm 20% trong khi các vùng đô thị tỷ lệ này chiếm 55-60%. Ông Trường cho rằng, nếu không giải quyết tương đối triệt để hàng lậu, trôi nổi, trốn thuế và phương thức kinh doanh không chứng từ thì rất khó cho DN ở trong nước sản xuất, kinh doanh chính quy và cạnh tranh với các hàng hóa này.

Còn ở khu vực nội đô, dù chiếm tỷ lệ 55-60% nhưng sản phẩm của DN nội cũng phải chạy đua về thị phần với hàng hóa NK từ khu vực ASEAN khi thuế quan giảm dần theo các cam kết. Chưa kể, tâm lý sính ngoại của một bộ phận lớn người dân vẫn còn.

Tập trung vào mũi nhọn

Với quy mô thị trường nội địa nhỏ như vậy, ông Trường cho rằng không thể “nhà nhà làm nội địa”. Chỉ với 4,5 tỷ USD mà 6.000 DN chia sẻ với nhau, chưa kể còn có hàng NK thì rất khó. Nếu tất cả DN đều đi theo phong trào phát triển nội địa thì sẽ khó trong việc duy trì hiệu quả của thị trường nội địa. Chính vì vậy, vẫn cần có mũi nhọn nhất định trong việc duy trì thị trường nội địa.

Mũi nhọn mà ngành dệt may hướng đến là đi vào những DN có thị phần tốt ở thị trường trong nước, thúc đẩy DN tăng quy mô để giảm giá thành và phương án sử dụng chung hệ thống phân phối. Vị lãnh đạo Vinatex nêu ví dụ, hệ thống phân phối của Việt Tiến chỉ có quần áo nhưng có tới 3.000 cửa hàng trên cả nước. Do đó, phương án sử dụng chung hệ thống phân phối sẽ là phân phối thêm đồ lót của Dệt kim Đông Xuân, đồ khăn ga trải giường của Phong Phú… Đây là những hàng hóa bổ sung, không cạnh tranh nhau.

Trên thực tế, phương án này làm giảm chi phí phát triển hệ thống- một chi phí cực lớn ở Việt Nam. Hiện phần lớn những nhà bán lẻ ở Việt Nam đều thấy thách thức lớn nhất chi phí thuê bằng và sự trung thành của chủ cho thuê với người thuê. “Nếu bán tốt có thể 2 năm sau không cho thuê nữa nên không ai dám phát triển mạnh vì không ai dám chắc có thể giữ được vị trí đó trong bao lâu”, ông Trường nói.

Thêm vào đó, hành vi tiêu dùng ở Việt Nam đã có cải thiện ở đô thị lớn là mua sắm ở các trung tâm thương mại nhưng đến nay trung tâm thương mại vẫn chưa là kênh chủ đạo của người Việt, vẫn mua bán lẻ rất nhiều. Đây là lợi thế để DN dệt may áp dụng phương án liên kết, sử dụng chung hệ thống phân phối nói trên. Sự liên kết này giúp DN phát triển các cửa hàng đa dạng, có hàng hóa bổ sung, cũng như khai thác tối đa hiệu suất tài sản cố định.

Nguồn: Phan Thu/Báo Hải Quan 

Tin xem nhiều nhất

(08/08/2012)
(08/08/2012)
(08/08/2012)
(08/08/2012)
(13/08/2012)
(13/08/2012)
(13/08/2012)
(13/08/2012)
(13/08/2012)
(21/08/2012)
(21/08/2012)
(21/08/2012)
(21/08/2012)
(21/08/2012)
(29/08/2012)
(29/08/2012)
(03/09/2012)
(29/08/2012)
(29/08/2012)
(29/08/2012)