Tin tức

Thu hút lao động trở lại làm việc

Ngày đăng: 13/10/2021

 

Công nhân làm việc tại Khu Công nghiệp Linh Trung 1 (TP Hồ Chí Minh).Ảnh TTXVN

Khoảng 1,3 triệu người đã trở về quê trong đợt bùng phát thứ tư của đại dịch Covid-19, trong đó phần lớn là người lao động. Đây là bài toán khó cho doanh nghiệp khi bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất cuối năm.

Số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK) cho thấy, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình lao động, việc làm trong cả nước, sẽ tác động không nhỏ đến kế hoạch phục hồi kinh tế và các mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021.

Hơn 28 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực

Biến động về bức tranh lao động, việc làm trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Thống kê Dân số và Lao động (TCTK) nhấn mạnh ở bảy nội dung: Số người tham gia lực lượng lao động sụt giảm nghiêm trọng với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở mức thấp chưa từng có trong vòng 10 năm trở lại đây; hàng triệu người không có việc làm; tỷ lệ và số người lao động (NLĐ) thiếu việc làm tăng cao bất thường, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh; thu nhập bình quân tháng của NLĐ sụt giảm nghiêm trọng; tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến; lao động không sử dụng hết tiềm năng và lao động tự sản, tự tiêu đều tăng cao.

Cụ thể, đến nay cả nước có hơn 28 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm; lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III chỉ đạt 49,1 triệu người, là mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Lao động có việc làm trong quý III là 47,2 triệu người, giảm 2,6 triệu người so quý trước và giảm 2,7 triệu người so cùng kỳ. Đây cũng là thời điểm ghi nhận số lượng lao động có việc làm giảm xuống thấp nhất trong nhiều năm qua trong khi lao động thiếu việc làm tăng cao chưa từng thấy.

Lần đầu tiên trong dữ liệu thống kê ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp trong cả nước là 3,98%, tăng đột biến và vượt xa con số 2% như thường lệ. Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng có tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất và cao hơn rất nhiều so mức chung của cả nước.

Về thu nhập của NLĐ, hầu hết các ngành kinh tế đều ghi nhận mức sụt giảm thu nhập bình quân của NLĐ so quý trước. Trong đó, thu nhập trong ngành dịch vụ chịu tác động mạnh nhất với mức giảm 14,3%; lao động khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 13,5%. Tính chung thu nhập bình quân tháng của NLĐ trong quý III là 5,2 triệu đồng, được TCTK đánh giá là mức sụt giảm nghiêm trọng so quý trước. Lao động ở vùng Đông Nam Bộ chịu tổn thương nặng nề nhất với mức thu nhập chỉ bằng một nửa so mức thu nhập bình quân chung của cả nước. Theo số liệu cập nhật ban đầu của TCTK, tính đến ngày 15/9 cả nước có khoảng 1,3 triệu người đã về quê, trong đó khoảng 34% là người đang làm việc, 38% không có việc làm, số còn lại là không có nhu cầu làm việc do e ngại rủi ro dịch bệnh.

Tạo niềm tin, giúp người lao động trở lại làm việc

Dệt may và da giày là hai ngành sản xuất sớm phải đối phó với tình trạng khan hiếm lao động trong đợt bùng phát đại dịch thứ tư. Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Trương Văn Cẩm cho biết, tâm lý lo sợ nhiễm bệnh cùng đời sống khó khăn khi không có việc làm đã khiến hàng triệu công nhân ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... trở về quê, gây khan hiếm nhân công. Đây là bài toán khó cho DN khi bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất cuối năm.

Kết quả khảo sát nhanh do nhóm hợp tác công tư (PPP- WG) ngành dệt may - da giày thực hiện trong tháng 9 tại hơn 250 doanh nghiệp (DN) cho thấy, phần lớn NLĐ muốn về quê hoặc đã về quê trong một thời gian ngắn để phục hồi sức khỏe và cuộc sống cho bản thân, con cái sau thời gian gặp khó khăn về tâm lý, sức khỏe và kinh tế trong thời gian giãn cách. Trong số đó, nhiều NLĐ mong muốn tiếp tục được làm việc ở nhà máy hiện tại. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp hỗ trợ tích cực, sẽ phải mất 3-5 tháng để NLĐ trở lại nhà máy. Giải pháp đặt ra lúc này là cần có mối liên hệ giữa DN và NLĐ để nắm tình hình và hỗ trợ ngay khi cần thiết. Đồng thời, DN và chính quyền địa phương cần thực hiện ngay trợ cấp ngừng việc; thu xếp phương tiện, ưu tiên tiêm vắc-xin để NLĐ trở về nhà máy.

Nhận định về khả năng các trung tâm kinh tế phía nam thu hút NLĐ quay lại làm việc để phục hồi sản xuất, ông Phạm Hoài Nam cho rằng đây là vấn đề khó khăn vì tâm lý lưỡng lự, e ngại của người dân. Hiện chính sách phòng, chống dịch của nhiều tỉnh, thành phố đang rất khác nhau, NLĐ không thể lường trước được mức độ ổn định của các biện pháp này nên đã chọn cách về quê. Chỉ khi nào tình hình dịch bệnh trở nên ổn định, DN có thể xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất và công bố chính sách tuyển dụng lao động rõ ràng với những tiêu chí đãi ngộ cụ thể, thì NLĐ mới tin tưởng và yên tâm trở lại thành phố làm việc.

Ông Bùi Sỹ Lợi, chuyên gia cao cấp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức rất cao trong khi nhiều nơi, nhiều ngành đã nhìn thấy khả năng thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Nghịch lý lớn nhất của cung - cầu lao động là chúng ta phải đối mặt với tình trạng lao động vừa thiếu lại vừa thừa. Các trung tâm công nghiệp thiếu lao động sẽ khiến cho sản xuất bị đình trệ, còn các vùng nông thôn có nhiều người dân trở về lại thiếu việc làm, gây ra thất nghiệp và có thể nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp.

Vấn đề quan trọng hiện nay là cần triển khai ngay các giải pháp để ổn định thị trường lao động, hướng đến mục tiêu bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định; bảo đảm đời sống tối thiểu và an sinh xã hội cho người dân; tìm mọi cơ hội hướng dẫn, tư vấn, giúp đỡ NLĐ có việc làm tại chỗ hoặc trở lại làm việc tại các thành phố. Điều này cần sự phối hợp, chia sẻ giữa chính quyền địa phương, DN và NLĐ.

TÔ HÀ

https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/thu-hut-lao-dong-tro-lai-lam-viec-669213/

nhandan

Tin xem nhiều nhất

(08/08/2012)
(08/08/2012)
(08/08/2012)
(08/08/2012)
(13/08/2012)
(13/08/2012)
(13/08/2012)
(13/08/2012)
(13/08/2012)
(21/08/2012)
(21/08/2012)
(21/08/2012)
(21/08/2012)
(21/08/2012)
(29/08/2012)
(29/08/2012)
(03/09/2012)
(29/08/2012)
(29/08/2012)
(29/08/2012)