
02/06/2024
Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường chia sẻ về những thách thức của doanh nghiệp dệt may trong nước trước những "người khổng lồ" - các hãng thời trang ngoại như Uniqlo, Zara, H&M...
- Chinh phục thị trường 100 triệu dân vẫn là chuyện "nói mãi" của doanh nghiệp may mặc trong nước. Ông nghĩ sao về thực tế này?
- Doanh nghiệp dệt may vẫn phát triển thị trường nội địa. Năm ngoái, thị trường trong nước tăng 40% so với 2021, trong đó giống xuất khẩu, dệt may trong nước tăng rất tốt ở nửa đầu năm và bắt đầu khó khăn từ quý III.
Quý IV, nhiều thương hiệu tốt, như Việt Tiến, bán chậm lại, doanh số giảm. Hay như trung tâm thời trang của Vinatex, các năm trước doanh thu cuối năm trên 1 tỷ đồng mỗi ngày thì năm nay mức thu cao nhất chỉ 500-600 triệu đồng.
Hai năm qua, không ít hãng thời trang nội địa đã giảm số cửa hàng, hạn chế mở mới. Họ đành "tụ" về những địa điểm nhất định để giảm chi phí, tối ưu hoá vận hành và cố gắng đưa ra sản phẩm đủ hấp dẫn với thu nhập của người tiêu dùng.
Thực tế, tiêu dùng trong nước phụ thuộc vào kinh tế, mức thu nhập của người dân. Công bố của Bộ Kế hoạch & Đầu tư năm 2022 cho thấy, mức lương bình quân khối sản xuất chỉ quanh 6,5 triệu đồng một người một tháng. Tức là, với nền tảng thu nhập này, doanh nghiệp cắt giảm hết chi phí, chấp nhận biên lợi nhuận thấp thì cũng khó kích cầu trên diện rộng.