Tin tức

Nguồn cung bông vải thế giới suy giảm vì thời tiết khắc nghiệt

Ngày đăng: 22/08/2022

Tại Mỹ, nước xuất khẩu bông vải lớn nhất thế giới, thời tiết khô hạn đang làm héo úa bông vải tại các trang trại. Tình hình khô hạn đặc biệt nghiêm trọng ở bang Texas, khu vực trồng bông vải lớn nhất nước.

Nông dân ở các bang miền tây nam nước Mỹ bao gồm Texas đang từ bỏ hàng triệu hecta đất khô cằn mà họ gieo trồng bông vào mùa xuân.

Các chuyên gia nông nghiệp ước tính nông dân Mỹ sẽ từ bỏ 40% trong số hơn 5 triệu hecta diện tích trồng bông vải, khiến diện tích có thể thu hoạch trong niên vụ này giảm về mức thấp nhất kể từ giữa thế kỷ 19.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng bông vải trong nước sẽ giảm xuống còn 12,6 triệu kiện (mỗi kiện đương đương 228 kg) trong niên vụ này, thấp hơn 28% so với năm ngoái. Đây là niên vụ bông vải thấp kém nhất kể từ năm 2009 của Mỹ. Theo USDA, các kho dự trữ bông vải của Mỹ vào cuối niên vụ này sẽ giảm xuống mức gần thấp nhất trong lịch sử.

Tại Ấn Độ, một trong những nước sản xuất bông vải hàng đầu toàn cầu, lượng mưa quá nhiều trong mùa mưa và sâu bệnh ở các bang như Maharashtra và Karnataka đã ảnh hưởng đến các cánh đồng bông đến mức nước này phải tìm cách nhập khẩu bông vải để đáp ứng nhu cầu của ngành dệt may trong nước. Sản lượng bông vải của Ấn Độ trong niên vụ này được dự báo giảm xuống còn 31,5 triệu kiện, trong khi nhu cầu tiêu thụ là 34,5 triệu kiện.

Đợt nắng nóng ở Trung Quốc hiện nay cũng làm dấy lên lo ngại vụ thu hoạch bông vải sắp tới ở vùng Tân Cương sẽ không khả quan. Và giờ đây Brazil, nước xuất khẩu bông vải lớn thứ hai thế giới, cũng đang phải chống chọi thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, đang khiến sản lượng bông giảm 30%.

Thời tiết khô hạn đang tàn phá các vụ mùa bông vải (cotton) ở các bang miền tây nam nước Mỹ. Ảnh: WSJ

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất bông vải Brazil (Abrapa), hạn hán đã làm mất mát 200.000 tấn bông vải. Với vụ thu hoạch bông vải niên vụ 2021-2022 sắp kết thúc, sản lượng bông vải của nước này hiện chỉ đạt khoảng 2,6 triệu tấn hoặc ít hơn.

Bom Futuro, một trong những nhà sản xuất bông lớn nhất của Brazil, chiếm khoảng 10% diện tích trồng của cả nước, chứng kiến sản lượng giảm 27% so với mùa trước. Julio Cezar Busato, Chủ tịch Abrapa và cũng là một nông dân trồng bông ở bang Bahia, cũng ghi nhận sản lượng ở mức tương tự. Ông nói: “Thời tiết khô hạn đã làm giảm số lượng quả bông cũng như khiến chúng nhẹ hơn”.

Sự kết hợp của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra đã khiến giá bông vải trên thị trường quốc tế tăng tới 30% trong năm nay. Hồi giữa năm, giá bông vải đã chạm mức cao nhất kể năm 2011, khiến biên lợi nhuận của các công ty may mặc trên toàn thế giới bị ép chặt.

Trong một họp báo từ xa với các nhà đầu tư vào đầu tuần này, Jane Elfers, Giám đốc điều hành Công ty thời trang Children’s Place (Mỹ), mô tả tình trạng giá bông tăng vọt là “một vấn đề lớn” đối với ngành may mặc.

Mỹ và Brazil chiếm một nửa lượng bông xuất khẩu của toàn thế thế giới. Nguồn cung bông vải toàn cầu sụt giảm mạnh đến mức làm lu mờ những lo ngại về nhu cầu. Chính phủ Mỹ và các nhà phân tích đã dự đoán nhu cầu bông vải đang giảm do ngươi tiêu dùng giảm mua quần áo và các nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là ở châu Âu và châu Á.

Tuy nhiên, Andy Ryan, Giám đốc quan hệ cấp cao của Công ty Hedgepoint Global Markets, cho biết tất cả các dấu hiệu đều cho thấy giá bông vải sẽ tăng lên mức “cao hơn nhiều” trong những tháng tới.

Thời tiết khắc nghiệt gây thêm một khó khăn nữa cho những doanh nghiệp thu mua bông vải trên thế giới. Peter Egli, Giám đốc đốc Công ty Plexus Cotton (Anh), cho biết thời tiết thiếu mưa ở các vùng trồng bông tại Úc, Pakistan và Brazil đã làm giảm chất lượng bông vải.

Theo Bloomberg, WSJ

https://thesaigontimes.vn/nguon-cung-bong-vai-the-gioi-suy-giam-vi-thoi-tiet-khac-nghiet/

thesaigontimes

 

Tin xem nhiều nhất

(08/08/2012)
(08/08/2012)
(08/08/2012)
(08/08/2012)
(13/08/2012)
(13/08/2012)
(13/08/2012)
(13/08/2012)
(13/08/2012)
(21/08/2012)
(21/08/2012)
(21/08/2012)
(21/08/2012)
(21/08/2012)
(29/08/2012)
(29/08/2012)
(03/09/2012)
(29/08/2012)
(29/08/2012)
(29/08/2012)