Tin tức

Xoay sở tìm nguyên liệu trước gián đoạn từ Trung Quốc

Ngày đăng: 03/05/2022

Tìm nguyên liệu thay thế trong nước, thương lượng với đối tác để kéo dài thời gian giao hàng… là giải pháp mà nhiều doanh nghiệp đang xoay sở để ứng phó trước tình trạng gián đoạn nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc.

Đứt nguồn cung nguyên liệu

Hơn 1 tháng nay, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực như dệt may, da giày, điện tử… tại các tỉnh phía Nam như ngồi trên đống lửa vì nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc bị gián đoạn.

Các doanh nghiệp dệt may đang ngồi trên lửa vì không nhập được nguyên liệu từ Trung Quốc

Đơn cử tại Đồng Nai, loạt doanh nghiệp đang không thể sản xuất dù trong giai cao điểm phục hồi và đơn hàng nhiều. Nguyên nhân do nhiều hàng hóa nguyên liệu đi từ các cảng ở Thượng Hải (nơi đang bùng phát dịch Covid-19 trở lại) nên cả tháng nay về rất chậm hoặc không về, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đang phải giảm công suất, có nguy cơ chậm đơn hàng.

Lý giải về tình trạng này, ông Nguyễn Tiến Chương - Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai cho biết: Do tình hình dịch bệnh, Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách Zero Covid nên nhiều nguyên liệu hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc của doanh nghiệp Đồng Nai đang trong tình trạng gián đoạn. Thậm chí những doanh nghiệp nhập hàng hóa qua các cảng ở Thượng Hải càng khó khăn hơn do thành phố này phong tỏa diện rộng. Nguy cơ bị gián đoạn, giảm công suất kéo theo chậm trễ đơn hàng đang đặt ra những sức ép vô cùng lớn cho cho doanh nghiệp xuất khẩu.

“Trong bối cảnh khó khăn sau thời gian dài ảnh hưởng dịch bệnh, nay vừa hồi phục lại sản xuất và các đơn hàng ổn định hơn thì các doanh nghiệp lại phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu. Trong đó các ngành khó khăn nhất phải kể tới là da giày và dệt may vì phụ thuộc tới trên 50% nguyên phụ liệu từ thị trường này”- ông Chương cho biết thêm.

Tương tự tại TP. Hồ Chí Minh, theo ước tính của Hội Dệt may thêu đan thành phố, rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may đang phải đối mặt với tình trạng đứt nguồn cung. Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean chia sẻ rằng, bình quân mỗi tuần doanh nghiệp này đang nhập 3 container nguyên phụ liệu từ thị trường Trung Quốc với giá trị trên 80.000 USD. Tuy nhiên khoảng 10 ngày trở lại đây, hàng nguyên liệu không nhập được về nữa do tắc nghẽn tại một số cảng ở quốc gia này.

“Nếu tình trạng này còn kéo dài thêm 10 ngày nữa thì không riêng công ty chúng tôi mà cả ngành dệt may cùng chịu tổn thất lớn”- ông Việt lo lắng.

Cũng như doanh nghiệp dệt may, ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn giày Gia Định cho hay, hiện doanh nghiệp đang nhập tới 60% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc nên khi dịch Covid tại nước này bùng phát mạnh đã khiến nguồn cung ứng của công ty bị gián đoạn. Trong khi đó, việc chuyển qua nhập từ thị trường khác là vô cùng khó khăn bởi chi phí vận chuyển và logistics đang ở mức quá cao.

“Chúng tôi hầu như không nhập được hàng suốt 1 tháng nay. Điều lo ngại là chúng tôi đang bước vào giai đoạn sản xuất cao điểm, đơn hàng nhiều. Tình trạng này nếu còn kéo dài sẽ gây thiệt hại nặng nề”- ông Trung nói.

Xoay sở ứng phó

Trung Quốc vốn là công xưởng sản xuất hàng hóa, thiết bị đầu vào của không chỉ Việt Nam mà rất nhiều quốc gia cũng bị ảnh hưởng vì chính sách Zero Covid của nước này. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cho biết đang xoay sở tìm nguồn cung trong nước, đồng thời thương lượng gia hạn thời gian giao hàng với nhà nhập khẩu.

“Với những nguyên phụ liệu có thể thay thế trong nước, chúng tôi đang tích cực đàm phán với đơn vị cung ứng để mua. Riêng với nguyên phụ liệu không sản xuất được như giả da cao cấp, da cao cấp… chúng tôi đành chấp nhận chờ bởi không tìm đc nguồn thay thế trong thời điểm này. Đặc biệt, chúng tôi cũng hạn chế ký những đơn hàng đòi hỏi chất liệu cao cấp để tránh rủi ro”- ông Nguyễn Chí Trung cho hay.

Đối với ngành dệt may, ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cho biết, nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang tìm nguồn cung tại nội địa, tuy vậy việc đáp ứng không như kỳ vọng. Chẳng hạn với vải chúng ta mới chỉ đáp ứng được 10% và bông thì nhập là chính. Do đó, giải pháp trước mắt mà doanh nghiệp dệt may thực hiện là thương lượng với đối tác để giao hàng chậm.

Về lâu về dài, theo ông Nguyễn Tiến Chương - Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, Nhà nước cần hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, giúp doanh nghiệp có thêm các đơn hàng mới từ đó mở rộng nguồn mua nguyên phụ liệu ở các thị trường khác.

Trước khó khăn của doanh nghiệp, Bộ Công Thương ngoài việc hỗ trợ thông tin thị trường, kết nối cung cầu sẽ tăng cường việc mở rộng các thị trường mới để giúp doanh nghiệp Việt Nam tránh phụ thuộc vào một thị trường cả ở chiều nhập và xuất khẩu. Bộ Công Thương cũng khuyến nghị doanh nghiệp đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, chủ động trong các khâu thiết kế sản phẩm, giảm tỉ lệ gia công và tự chủ nguồn nguyên phụ liệu, đa dạng thị trường xuất khẩu...

Thùy Dương - Ngọc Thảo

https://baomoi.com/xoay-so-tim-nguyen-lieu-truoc-gian-doan-tu-trung-quoc/c/42445398.epi

baomoi

Tin xem nhiều nhất

(08/08/2012)
(08/08/2012)
(08/08/2012)
(08/08/2012)
(13/08/2012)
(13/08/2012)
(13/08/2012)
(13/08/2012)
(13/08/2012)
(21/08/2012)
(21/08/2012)
(21/08/2012)
(21/08/2012)
(21/08/2012)
(29/08/2012)
(29/08/2012)
(03/09/2012)
(29/08/2012)
(29/08/2012)
(29/08/2012)